Trong đời sống hiện nay, cây kiểng có vai trò rất quan trọng, nó giúp con người cân bằng cuộc sống trước áp lực công việc và thăng hoa trong đời sống tinh thần. Việc trồng và chơi cây là tiêu chí nói lên trình độ văn hoá, văn minh xã hội. Thưởng thức, bình phẩm, đánh giá một tác phẩm cây kiểng là cả một quá trình hoạt động thẩm mỹ vì sự tương tác giữa thưởng thức và đánh giá thường diễn ra trong cùng một thời điểm. Người thưởng thức một tác phẩm cây kiểng nghệ thuật phải có kinh nghiệm cuộc sống, trình độ thẩm mỹ, cảm hứng nghệ thuật. Người có kinh nghiệm thẩm mỹ thường quan sát sơ lược toàn bộ để có cái nhìn khái quát, sau đó mới xem chi tiết từng bộ phận cây kiểng. Quá trình thưởng thức là quá trình hoạt động tâm lý thẩm mỹ thường qua các bước: cảm nhận, tưởng tượng, suy lý (lý giải) và thăng hoa.

Thông qua thị giác để cảm nhận cây kiểng, trên cơ sở cảm nhận rồi suy lý (hay lý giải) tức là suy nghĩ, chọn lọc và tìm lời giải tại sao thế này, tại sao thế kia. Tưởng tượng sẽ giúp cho việc lý giải được thuận lợi hơn. Khi toàn tâm chăm chú vào thưởng thức, đắm mình vào cảnh vật, khi mà từ kinh nghiệm sống bản thân, từ đáy lòng, nỗi đau khổ hay niềm hân hoan của mỗi người sẽ nhập vào tác phẩm, lúc đó hoạt động tưởng tượng được kích thích mạnh mẽ. Lý giải tác phẩm cây kiểng là khâu quan trọng, chỉ khi nào lý giải được tác phẩm thì ta mới hiểu được ý nghĩa của cây kiểng, hiểu được chủ đề mà tác giả định diễn đạt. Khi thưởng thức cây kiểng cần lý giải từ cái “hư” (cái tưởng tượng) đến cái “thực”, còn gọi là “Hư thực tương sinh”, từ cái nhỏ đến cái lớn “Tiểu trung kiến đại” thì mới đạt được hứng thú thẩm mỹ. Ví dụ như đá ở trong chậu không có nghĩa là hòn đá đơn thuần, đá mà không phải đá, sông hồ trong chậu không phải là sông hồ tự nhiên nhưng nó bắt nguồn từ tự nhiên, vì thế dân gian có câu “Đá mang về nhà hồn núi về theo”.

Mặt khác cũng cần phải hiểu được thủ pháp tạo hình, trình tự chế tác, đặc trưng biểu hiện của phong cách, của trường phái thì mới lý giải được sâu sắc tác phẩm cây kiểng. Lý giải để tìm hiểu nội dung cái đẹp của chậu kiểng, tức là cái đẹp của ý cảnh. Sức cảm nhận của nghệ thuật bắt nguồn từ ý cảnh, ý cảnh lại bắt nguồn từ cuộc sống. Vì thế nó là sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm tư tưởng của người chế tác với cuộc sống.

Ý cảnh là cái nhìn không thấy, sờ không được mà chỉ có thể thần hội tâm linh. Vì thế tùy theo trình độ thẩm mỹ, vốn sống của người xem mà khả năng thưởng thức khác nhau. Người thưởng thức phải hiểu được cái lý ngoài cái lý (lý ngoại chi lý), nói theo cách nói của người xưa là “Ý tại ngôn ngoại”. Bước cuối cùng của thưởng thức là cộng hưởng và thăng hoa. Sau khi đã lý giải được tác phẩm, hiểu được tác phẩm thì người thưởng thức cây kiểng cảm thấy vui vẻ, thích thú, tìm ra được mối liên hệ nội tại giữa chủ quan và khách quan, khiến người thưởng thức hòa mình vào tác phẩm, làm tâm hồn bay bổng, nảy sinh ước vọng và thăng hoa, tinh thần rong ruổi vạn dặm, ý tưởng bay bổng.

Tuy nhiên trong quá trình thưởng thức không phải là cắt đoạn, riêng lẻ, cũng không phải là tuần tự các bước theo thứ tự trên mà là sự đan xen, nối tiếp tương hỗ với nhau. Muốn thưởng thức thấu đáo trước hết phải có tình cảm. Tình cảm là linh hồn của nghệ thuật. Không chỉ người trồng cây kiểng cần có tình cảm phong phú, giàu óc tưởng tượng mà người thưởng thức cũng cần như vậy, có như vậy thì mới có thể thăng hoa cùng tác phẩm. Nói chung thưởng thức tác phẩm cây kiểng không khó, song từ góc độ thưởng thức đến bình phẩm, đánh giá chính xác một tác phẩm cây kiểng nghệ thuật thì không giản đơn. Khi thưởng thức, đánh giá cần có cái nhìn toàn diện rồi đi đến chi tiết. Thí dụ cần quan sát cái đẹp, cái chưa đẹp của từng bộ phận như rễ, thân, cành, giá đỡ, chậu, các phối kiện và tên gọi của tác phẩm rồi tổng hợp lại đánh giá toàn bộ tác phẩm. Rất có thể một tác phẩm chậu kiểng nếu quan sát từng bộ phận riêng rẽ thì thấy bình thường, ít gây cảm mỹ, nhưng nhìn tổng thể thì thấy nó hài hòa, nội dung phong phú, ý tưởng sâu sắc và phản ánh sinh động hiện thực đời sống.

Có thể nói nghệ thuật chơi cây kiểng đang phát triển từ đô thị đến nông thôn, trong mọi giai tầng xã hội và đem lại nguồn hương sắc phong phú cho đời sống tinh thần của con người. Cảm nhận được niềm vui trong việc chơi cây kiểng, vì thế số người chơi cây kiểng đã ngày một tăng lên không phân biệt thành phần xã hội, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể đam mê với loại hình nghệ thuật này. Người già có thể suy ngẫm, tuy già nhưng vẫn đưa lại chồi non lộc biếc, già nhưng vẫn chắt chiu đơm hoa kết trái, làm đẹp cho đời, là hình ảnh “lão mai sinh quý tử” mà ông cha ta thường mong ước, không phải già là thừa, là bỏ đi mà là “tuổi cao chí cũng cao’’.

Người trẻ tuổi có thể suy ngẫm để thấy được sự khổ luyện mới tới vinh quang, phải chịu khổ trước rồi mới có hưởng thụ mà ra sức luyện rèn, nuôi chí lớn. Người đã trải nghiệm ít nhiều thì thấy không có hạnh phúc nào mà không có hy sinh, nói cách khác là hạnh phúc, vinh quang không tự dưng đến. Vì thế có thể nói rằng, nghệ thuật chơi cây kiểng là một niềm vui thanh tao, một cách chơi có tính nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Những người chơi cây kiểng luôn có phong thái ung dung, tự tại, khoan thai. Thời gian thưởng ngoạn, chăm sóc cho cây kiểng thường là khoảng thời gian để con người suy ngẫm thế sự, suy ngẫm cuộc đời. Chơi cây kiểng còn giúp cân bằng hệ sinh thái khi môi trường sống hiện nay đang mất dần những khoảng xanh của sự sống. Ngày nay chơi cây kiểng nghệ thuật ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội vì nó đậm đà tính dân tộc, mang phong cách thiền vị. Mỗi một cây kiểng có sức hấp dẫn kỳ diệu làm thức tỉnh và an dưỡng tâm hồn con người. Cây kiểng thường được trồng trong chậu và từ chậu kiểng đó, người thưởng ngoạn sẽ thấy được mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Có lẽ, cũng bởi nguyên do ấy mà những tinh hoa từ cuộc sống cũng thường được đúc kết từ những phút giây như thế.