Khám phá vẻ đẹp về nguồn gốc và lịch sử của nghệ thuật gốm sứ

Đồ gốm sứ từ lâu đã vô cùng quen thuộc trong đời sống thường nhật của người Việt Nam. Trong mỗi gia đình, mỗi đình chùa hay thậm chí cả mỗi văn phòng làm việc, đều luôn có sự hiện diện của những sản phẩm gốm sứ. Vậy đồ gốm sứ đã có từ khi nào?

Sự phát triển thịnh vượng của khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật được ghi nhận suốt dọc chiều dài lịch sử nhân loại. Tổ tiên của chúng ta hàng ngàn năm trước đã tìm ra cách để biến những nguyên liệu tự nhiên thành công cụ phục vụ đời sống của mình, rồi cao hơn nữa là nâng việc sản xuất công cụ lên một tầm cao mới, một môn nghệ thuật.

Ngày nay, hầu hết các chuyên gia khảo cổ và các nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất rằng nghề gốm sứ là một trong số những nghề thủ công, một trong những nghệ thuật ra đời sớm nhất của nhân loại. Trong bài này, mời bạn cùng Cương Duyên ngược dòng lịch sử để khám phá đôi nét về nguồn gốc và sự phát triển của nghề gốm sứ trên thế giới.

Khởi nguồn

Hàng ngàn năm trôi qua đã khiến nhiều trang sử đi vào quên lãng và rất khó để ghi nhận thật chính xác. Tuy nhiên, những khảo cứu sâu nhất ngày nay cho biết những sản phẩm gốm đầu tiên đã ra đời từ ít nhất là 6.000 năm trước Công Nguyên – tức là hơn 8.000 năm trước.

Có tài liệu cho biết, thời cổ đại, con người tìm cách chế tạo ra dụng cụ để lấy nước từ sông, suối về sử dụng. Ban đầu, người ta sử dụng những chiếc giỏ được đan bằng cành và lá cây. Những chiếc giỏ này chỉ giữ được một ít nước khi mang về vì nước luôn bị lọt qua những khe hở và chảy đi mất. Thế nhưng, người thời xưa để ý thấy rằng sau nhiều lần lấy nước thì chiếc giỏ ít bị dò hơn nhờ có một lớp đất dính ở đáy giỏ. Đó là lớp đất sét có ở nhiều con sông, bám một chút vào giỏ khi múc nước. Sau khi để khô, nhất là khi có nắng, đất sét khô và cứng lại khiến đáy giỏ được bịt kín mà không cho nước chảy ra. Từ đó, người thời xưa nghĩ ra cách sử dụng đất sét để làm nên những vật dụng trữ nước. Ở những vùng có nhiều đất sét, người ta lấy đất nhào nặn thành hình thù của những chiếc bình, vại, gáo múc, … và để khô dưới ánh Mặt Trời để chúng cứng lại. Đó là khi mà nghề gốm bắt đầu hình thành.

Tuy vậy, nhưng bên cạnh đó, còn có những dấu tích khảo cổ cho thấy những sản phẩm gốm đầu tiên đã xuất hiện ở Trung Quốc từ 20.000 năm trước, vào thời kỳ của kỷ băng hà, khi mà nền văn minh con người còn hết sức sơ khai. Như vậy thì nghề gốm trên thực tế có thể đã manh nha hình thành từ hai vạn năm trước, và có thể cũng chính là nghề thủ công đầu tiên, giàu truyền thống nhất trong lịch sử nhân loại.

Phát triển

Sau khi đã khám phá ra cách tạo ra những đồ gốm đơn giản nhất từ đất sét và ánh nắng, con người thời xưa đã tiếp tục phát triển việc sản xuất đồ gốm thành một kỹ thuật phức tạp và một nghệ thuật tinh xảo.

Di tích khảo cổ được xác định niên đại vào khoảng hơn 3.000 hoặc 4.000 năm trước Công Nguyên cho thấy đó là khoảng thời gian mà người làm gốm bắt đầu biết sử dụng bánh xe quay để tạo hình, cắt gọt và trang trí sản phẩm, mặc dù những bánh xe vào thời kỳ này còn rất thô sơ.

Người Ai Cập cổ đại được coi là những người đầu tiên chế tạo ra lò nung gốm. Thay vì chỉ dùng ánh Mặt Trời, người ta phát hiện ra rằng sử dụng nhiệt độ cao của lửa trong lò nung mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. 

Cùng thời gian với văn minh Ai Cập thì ở nền văn minh Hy Lạp, nghệ thuật làm đồ gốm cũng phát triển lên một đỉnh cao mới. Các sản phẩm gốm của người Hy Lạp cổ tỏ ra hết sức tinh xảo. Sản phẩm của họ thường là những chiếc bình nung, với họa tiết đa phần là những hình ảnh kể về những câu chuyện trong thần thoại.

Ở phương Đông, đồ gốm cũng phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam ta. Bước ngoặt đáng chú ý nhất trong việc phát triển đồ gốm này được cho là khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, vào thời nhà Hán (một số tài liệu cho rằng có thể muộn hơn), khi người Trung Quốc phát minh ra đồ sứ như ngày nay chúng ta biết. Đất được dùng để làm đồ sứ có sự kết hợp của cao lanh trắng và đá granit xay, sau khi tạo hình được nung ở nhiệt độ cực cao, cho ra sản phẩm có màu sắc đặc trưng, sáng bóng hơn hẳn so với đồ gốm thông thường. 

Có tài liệu cho rằng chính người Ai Cập là những người nghĩ ra cách tráng men vào sản phẩm gốm đầu tiên. Vì lịch sử đã rất xa xôi, việc xác định chắc chắn xem tráng men lên gốm sứ có khởi nguồn từ Trung Quốc hay Ai Cập là điều rất khó. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đồ gốm ở nhiều nền văn minh khác nhau từ hàng nghìn năm trước đã có chung một số đặc điểm bao gồm việc sử dụng đất sét làm nguyên liệu chính, dùng bánh xe quay để tạo hình và trang trí, và cả việc đưa vào lò nung nhiệt độ cao để cho ra sản phẩm. Điều đó cho thấy đã có nhiều sự chia sẻ về văn hóa và các nghề thủ công từ rất nhiều thế kỷ trước.

Ở Việt Nam ta, sản phẩm gốm sứ cũng xuất hiện từ rất lâu, phát triển nhờ kết hợp tinh hoa thủ công dân tộc với học hỏi kỹ thuật tạo hình và vẽ họa tiết của người Trung Quốc. Riêng làng gốm Bát Tràng đã ra đời từ hơn 600 năm trước và ngày nay trở thành một trong những làng nghề nổi tiếng nhất về gốm sứ.

Đồ gốm sứ hiện đại

Trải qua hàng ngàn năm phát triển, việc sản xuất đồ gốm ngày nay đã đi được một quãng đường rất dài, vượt rất rất xa khỏi nhu cầu ban đầu của con người là tạo nên những vật dụng chứa nước hay đựng lương thực.

Đặc biệt, khác với phương Tây, đồ gốm sứ đối với người phương Đông không chỉ mang ý nghĩa sử dụng hay làm vật trang trí thông thường mà còn có rất nhiều ý nghĩa tâm linh. Người phương Đông ta quan niệm rằng mọi vật dụng trong gia đình, đặc biệt là những gì được dùng cho bàn thờ và những vật bài trí ở những vị trí quan trọng trong mỗi căn nhà có ý nghĩa tâm linh và phong thủy rất đặc biệt. Mặc dù có nhiều nguyên liệu và cách chế tác các vật phẩm này, nhưng đồ gốm luôn là một trong những loại mặt hàng được người phương Đông ưa chuộng nhất bởi cả đặc tính vật lý (chống thấm nước, chịu được lửa, cách nhiệt, cách điện, chống ăn mòn tự nhiên, …) lẫn ý nghĩa phong thủy với sự hài hòa của ngũ hành, âm dương.

Việc chế tác đồ gốm sứ ngày nay cũng ngày càng phức tạp và tinh xảo. Chẳng hạn, ở xưởng sản xuất Cương Duyên – Bát Tràng, sản phẩm gốm sứ được chế tác với qui trình nghiêm ngặt từ phác thảo hình dáng, chế tạo nguyên liệu cho tới tạo hình, vẽ tay cho từng họa tiết, phun men và nung trong lò. Việc thực hiện mỗi công đoạn cũng đòi hỏi sự chính xác cực kỳ cao và đồng thời phải bảo đảm tính thậm mỹ và sự độc đáo của từng sản phẩm, vì thế nên các nghệ nhân phải vừa kết hợp các thao tác thủ công cực kỳ tỉ mỉ và sáng tạo với các tiến bộ trong khoa học công nghệ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *